QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẠNG SƠN LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Tổng quan về Chính quyền điện tử

Tên văn bản Tổng quan về Chính quyền điện tử
Số hiệu
Ngày ban hành
Trích yếu nội dung

          1. Chính quyền điện tử là gì?

Chi tiết văn bản

Chính quyền điện tử chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Chính quyền điện tử làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan chính quyền, tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chính quyền. Người dân, doanh nghiệp được các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn bằng việc cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến. Người dân trở thành trung tâm trong quá trình các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin và dịch vụ.

2. Mục đích của Chính quyền điện tử

- Người dân có thể đóng góp ý kiến dễ dàng hơn đối với các cơ quan của Chính phủ;

- Người dân có thể nhận được các dịch vụ công tốt hơn từ các cơ quan của chính phủ bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ đâu và vì bất kỳ lý do chính đáng nào;

- Người dân có thể nhận được nhiều dịch vụ tích hợp hơn từ các cơ quan Chính phủ, bởi các cơ quan này sẽ phối hợp một cách hiệu quả hơn với nhau;

- Người dân có được thông tin một cách tốt hơn vì họ có thể nhận được các thông tin cập nhật toàn diện về các chính sách và dịch vụ của Chính phủ.

3. Cơ sở pháp lý xây dựng Chính quyền điện tử

- Luật giao dịch điện tử năm 2005;

- Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

- Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

- Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về công tác văn thư;

- Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;

- Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Một trong những nội dung quan trọng của các văn bản quy phạm pháp luật nói trên là việc quy định tài liệu điện tử có giá trị pháp lý như tài liệu giấy, cụ thể như sau:

- Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tư về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số  quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số; Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức”;

- Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 về công tác văn thư quy định: “Văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy”.

4. Thực trạng xây dựng “Chính quyền điện tử” hiện nay

a) Một số kết quả đạt được

Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử như: Tham mưu, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành một số cơ sở dữ liệu như Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội…;

Một số Bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức; chất lượng nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam cũng được nâng cao, đặc biệt một số kết quả nổi bật đã đạt được trong thời gian qua như sau:

- Khai trương và đưa Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) vào hoạt động. Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Cổng DVCQG hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.Cổng DVCQG đi vào vận hành đã thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

- Khai trương và đưa Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vào hoạt động.

- Khai trương và đưa vào hoạt động Trục liên thông văn bản quốc gia: đã có 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước.

b) Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Chính phủ hướng theo mô hình Chính phủ điện tử

Chính sách và biện pháp nhằm chuẩn bị cho việc phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin ở các nước tuy có những điểm khác nhau tuỳ thuộc vào trình độ phát triển của mỗi nước, nhưng cũng có điểm chung đó là:

- Xây dựng một kết cấu hạ tầng thông tin vững chắc trên cơ sở phát triển các trung tâm dữ liệu điện tử và mạng máy tính với siêu xa lộ thông tin (Super Hight Way Infomation);

- Phổ cập nền "Văn hoá thông tin" trong dân chúng, tạo tiền đề hình thành xã hội tri thức;

- Phát triển phương thức kinh doanh mới dựa trên công nghệ thông tin và tri thức để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hình thành nền kinh tế thông tin và môi trường thương mại điện tử;

- Đào tạo lại nguồn lao động và tạo ra những ngành nghề, việc làm mới trong lĩnh vực kinh tế tri thức;

- Cơ cấu lại hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước (về bộ máy, nhân sự, thông tin chính sách), số hoá các quy trình nghiệp vụ và thủ tục quản lý nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, hoàn thiện chức năng phục vụ của các cơ quan Chính phủ theo hướng “Chính phủ điện tử”.

Các biện pháp thực hiện:

- Đào tạo đội ngũ công chức, viên chức làm quen với kỹ năng làm việc trong môi trường điện tử;

- Kết nối các cơ quan Chính phủ, từng bước phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin theo yêu cầu;

- Đẩy nhanh việc cung cấp thông tin của Chính phủ cho người dân và doanh nghiệp thông qua môi trường mạng;

- Triển khai hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ, làm cho thông tin của Chính phủ có khả năng đến được với người dân và doanh nghiệp nhiều hơn;

- Thúc đẩy việc tin học hoá các dịch vụ công;

- Nghiên cứu cách thức đưa ra các điểm giao dịch một cửa của Chính phủ, cho phép người dân có thể thực hiện các giao dịch công trên môi trường mạng.

5.  Một số giải pháp về công nghệ thông tin để tiến tới Chính quyền điện tử

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Chính quyền điện tử

- Cần tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu xây dựng “Chính phủ điện tử”;

- Xây dựng chương trình đào tạo theo từng đối tượng chủ thể:

+ Cán bộ, công chức, viên chức chung;

+ Công chức, viên chức quản lý vận hành các hệ thống mới;

+ Người dân, doanh nghiệp.

- Thiết kế, xây dựng giải pháp “đơn giản hóa ứng dụng công nghệ”;

- Đầu tư có chỉ đạo tập trung, theo ưu tiên với một số hệ thống và cơ sở nền tảng cho “Chính phủ điện tử”; ngân sách đầu tư chú trọng ngân sách hàng năm cho duy trì, vận hành, phát triển;

- Rà soát, tìm điểm nghẽn để chỉ đạo tháo gỡ;

- Bổ sung CSDL phục vụ chỉ đạo điều hành, như:

+ Một số CSDL quốc gia thiết yếu liên quan đến người dân (y tế, giáo dục, việc làm…)

+ Chuẩn hóa CSDL về thủ tục hành chính làm nền tảng cho triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Trong môi trường “Chính quyền điện tử”, người dân có thể bị phân hoá nhanh chóng thành hai nhóm: Nhóm những người có kỹ năng và có công cụ để sử dụng công nghệ mới và nhóm những người không có những điều kiện nói trên, do vậy Chính phủ phải hoạch định kế hoạch tổng thể, chương trình và lộ trình để khắc phục những bất cập này như:

- Tạo điều kiện truy cập Internet công cộng cho những ai, vì lý do nào đó không có khả năng truy cập Internet tại nhà riêng;

- Sử dụng các chương trình giáo dục và thông tin công cộng để giúp những người dân dù trẻ hay già sử dụng được các công nghệ mới.

Để thực hiện được các nội dung công việc trên đòi hỏi sự quyết tâm cao của toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sự phối hợp của các cơ quan có liên quan nhằm mục tiêu xây dựng “Chính phủ điện tử” theo tinh thần Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025./.

          6. 04 giai đoạn phát triển ở Chính quyền điện tử

- Giai đoạn 1 - Thông tin:

Trong giai đoạn đầu, chính quyền điện tử có nghĩa là hiện diện trên trang web và cung cấp cho công chúng các thông tin thích hợp. Giá trị mang lại ở chỗ công chúng có thể tiếp cận được thông tin của chính quyền, các quy trình trở nên minh bạch hơn, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Với sự tương tác giữa các cơ quan chính quyền (G2G), các cơ quan chính quyền cũng có thể trao đổi thông tin với nhau bằng các phương tiện điện tử, như internet, hoặc trong mạng nội bộ.

- Giai đoạn 2 - Tương tác:

Trong giai đoạn thứ hai, sự tương tác giữa chính quyền và công dân (G2C) và với doanh nghiệp (G2B) được thông qua nhiều ứng dụng khác nhau. Người dân có thể hỏi qua thư điện tử, sử dụng các công cụ tra cứu, tải xuống các biểu mẫu và tài liệu. Các tương tác này giúp tiết kiệm thời gian. Việc tiếp nhận đơn thư, kiến nghị có thể thực hiện trực tuyến 24 giờ trong ngày. Giai đoạn này thực hiện được khi thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa điện tử, cơ chế một cửa liên thông điện tử.

- Giai đoạn 3 - Giao dịch:

Với giai đoạn thứ ba, tính phức tạp của công nghệ tăng lên nhưng sự tương tác (G2C và G2B) cũng tăng. Các giao dịch hoàn chỉnh có thể thực hiện mà không cần đi đến cơ quan hành chính. Mở rộng các dịch vụ trực tuyến mức độ 3 và 4. Giai đoạn 3 là phức tạp bởi các vấn đề an ninh và cá thể hóa, chẳng hạn như chữ ký số (chữ ký điện tử) là cần thiết để cho phép thực hiện việc chuyển giao các dịch vụ một cách hợp pháp. Về khía cạnh doanh nghiệp, chính quyền điện tử hỗ trợ các ứng dụng mua bán trực tuyến. Ở giai đoạn này, các quy trình nội bộ (G2G) phải được thiết kế lại để cung cấp dịch vụ được tốt. Chính quyền cần những quy định pháp luật để cho phép thực hiện các giao dịch không sử dụng tài liệu bằng giấy.

- Giai đoạn 4 - Chuyển hóa:

Giai đoạn thứ tư là khi mọi hệ thống thông tin được tích hợp hoàn toàn, các dịch vụ điện tử không còn bị giới hạn bởi các ranh giới hành chính. Khi đó người dân có thể hưởng các dịch vụ G2C và G2B tại một bàn giao dịch (điểm giao dịch ảo). Ở giai đoạn này, tiết kiệm chi phí, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu khách hàng đã đạt được các mức cao nhất có thể được. 

Các giai đoạn phát triển của Chính quyền điện tử, góp phần cho mối tác động qua lại giữa người dân, doanh nghiệp, nhân viên chính quyền và các cơ quan chính quyền trở nên thuận tiện, thân thiện, minh bạch, đỡ tốn kém và hiệu quả hơn.
 

Tải xuống

VĂN BẢN