QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẠNG SƠN LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Hội nghị trực tuyến tổng kết giai đoạn 1 chương trình IPv6 For Gov, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025

          Sáng 28/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 chương trình IPv6 For Gov, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và giai đoạn 2023 – 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 điểm cầu. Đồng chí Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT dự và chỉ đạo Hội nghị.

          Tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở, đại diện phòng Chuyển đổi số, phòng Hạ tầng số và Trung tâm Công nghệ số.

28

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

        Địa chỉ IPv6 (Internet Protocol Version 6) là phiên bản địa chỉ Internet mới, được thiết kế để thay thế cho phiên bản IPv4 với hai mục đích cơ bản: Khắc phục các nhược điểm trong thiết kế của địa chỉ IPv4 và thay thế cho nguồn địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt để phát triển hạ tầng thông tin và Internet bền vững. Địa chỉ  IPv6 được thiết kế với những tham vọng và mục tiêu như không gian địa chỉ lớn hơn và dễ dàng quản lý không gian địa chỉ; khôi phục lại nguyên lý kết nối đầu cuối - đầu cuối của Internet và loại bỏ hoàn toàn công nghệ NAT; quản trị TCP/IP dễ dàng hơn; cấu trúc định tuyến tốt hơn; hỗ trợ tốt hơn Multicast; Hỗ trợ bảo mật tốt hơn; hỗ trợ tốt hơn cho di động.

          Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam đã thông qua báo cáo kết quả giai đoạn 1 IPv6 For Gov (2021 -2022) và triển khai nhiệm vụ năm 2023 và giai đoạn 2023 – 2025. Kết quả triển khai Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 1 đã đạt và vượt mục tiêu đề ra với 94% Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 (vượt 88% so với mục tiêu Giai đoạn 1); 78% Bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng TTĐT, dịch vụ công (vượt 55% so với mục tiêu Giai đoạn 1). Đào tạo nguồn nhân lực: Mục tiêu đào tạo 500 chuyên gia IPv6 trong 5 năm; Qua 02 năm, đã đào tạo được 1.318 cán bộ/chuyên gia IPv6 (gấp 2,6 lần mục tiêu 5 năm). Kết quả giai đoạn 1 Chương trình IPv6 For Gov đã cho thấy sự nỗ lực của Bộ TTTT cũng như các Bộ, ngành địa phương trong việc chuyển đổi mạng Internet Việt Nam sang IPv6. Đây cũng là tiền đề quan trọng để bước vào giai đoạn 2 của Chương trình (2023-2025). Cũng tại hội nghị, đại biểu các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã trao đổi về chương trình chuyển đổi IPv6 For Gov.

          Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đánh giá cao những đóng góp của các tập thể, cá nhân trong quá trình triển khai IPv6 tại Việt Nam - đứng thứ 2 ASEAN và đứng top 10 toàn cầu (Tính đến tháng 12/2022 tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 53%, thứ 10 toàn cầu với hơn 65 triệu thuê bao IPv6 (FTTH, Mobile). Đồng chí đề nghị trong thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về sự cần thiết, lợi ích khi chuyển đổi IPv6; chủ động xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp viễn thông cần đi đầu, hỗ trợ các Bộ, Ngành, địa phương chuyển đổi hạ tầng, dịch vụ, có lộ trình cụ thể để chuyển đổi cho các thuê bao đầu cuối còn lại chưa hỗ trợ IPv6, phấn đấu hoàn thành mục tiêu chương trình IP 4G quốc gia và duy trì tăng thứ hạng chuyển đổi quốc gia./.

Tô Thị Thương

Trung tâm Công nghệ số