QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẠNG SƠN LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19

          Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia láng giềng gần với Việt Nam, để giúp cả xã hội, người dân và doanh nghiệp duy trì trạng thái “bình thường mới” - vừa chung sống an toàn với bệnh dịch, vừa tiếp tục kinh doanh sản xuất. Ngày 29/4/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành công văn số 1324/BTTTT-THH về việc Triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Tài liệu hướng dẫn bộ giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong cộng đồng. Đây là tài liệu hướng dẫn sử dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ của Việt Nam kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng và các biện pháp hành chính của chính quyền địa phương để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, khoanh vùng dịch một cách chính xác, hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh bình thường của xã hội. Bộ giải pháp công nghệ trong tài liệu hướng dẫn gồm có:

1. Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone: ứng dụng ghi nhận lịch sử tiếp xúc của người dùng Bluezone với người dùng Bluezone khác. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc sẽ chỉ để phục vụ cơ quan y tế sử dụng trong công tác truy vết, khoanh vùng các ca lây nhiễm, trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.

2. Ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh VHD: Việc khai báo y tế cho người nhập cảnh qua ứng dụng VHD là bắt buộc. Các thông tin khai báo sẽ giúp cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát tình trạng sức khoẻ của người nhập cảnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

3. Ứng dụng quản lý tờ khai y tế tự nguyện NCOVI: Cho phép mỗi người dân cập nhật tình hình sức khoẻ của bản thân và của gia đình thông qua việc khai báo y tê tự nguyện. Các thông tin này giúp cho cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguy cơ có thể xảy đến với người dân khai báo y tế và kịp thời có những biện pháp hỗ trợ, ngăn chặn khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

4. Hệ thống ghi nhận việc đến/đi tại các địa điểm công cộng (Mã QR Code): Các địa điểm công cộng như công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng... đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR Code và yêu cầu người dân cần khai báo y tế bằng cách quét mã QR code khi đến các địa điểm công cộng đó thông qua các Ứng dụng trên điện thoại thông minh (gồm có 3 ứng dụng: NCOVI, VietNam Health Declaration và Bluezone). Thông qua hệ thống, người dân sẽ được cảnh báo kịp thời và được hỗ trợ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh nếu dịch bệnh bùng phát có liên quan đến các địa điểm mà người đó đã từng đến. Công tác truy vết và khoanh vùng lây lan của cơ quan chức năng cũng sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn nhờ dữ liệu ghi nhận được từ hệ thống.

5. Hệ thống Bản đồ chống dịch - An toàn COVID-19: Hệ thống thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế. Các đơn vị này hằng ngày kiểm tra và cam kết đã hoàn thành các tác vụ về phòng chống dịch, đồng thời cho phép người dân phản hồi nếu phát hiện những điếm chưa đúng. Mỗi cơ sở sẽ sử dụng ứng dụng AntoanCovid trên điện thoại hàng ngày và thường kỳ đế bảo đảm việc giám sát điều kiện an toàn được thực hiện thường xuyên liên tục và minh bạch.

Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng ở tất cả các cấp trong tỉnh nghiên cứu và áp dụng triển khai bộ giải pháp được nêu trong Tài liệu hướng dẫn; các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn triển khai các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch.

Phạm Thảo                   

Trung tâm CNTT và Truyền thông