QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẠNG SƠN LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Bắc Sơn tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

         Thời gian qua, huyện Bắc Sơn tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.

         Là sản phẩm nông nghiệp được xác định là sản phẩm đặc sản, chủ lực của xã Bắc Sơn, sản phẩm lúa nếp cái hoa vàng được người dân trong xã tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm. Với trên 1 mẫu ruộng, vụ mùa hằng năm, gia đình ông Dương Hữu Lanh, thôn Đông Đằng tập trung gieo trồng lúa nếp cái hoa vàng hết toàn bộ diện tích. Ông Lanh cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi trồng lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, góp phần tăng năng suất lên từ 15% đến 20%, giá trị đạt khoảng 2 triệu đồng/sào.

         Lúa nếp cái hoa vàng là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của xã Bắc Sơn. Để phát triển lúa nếp cái hoa vàng, hằng năm, xã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản lúa cho người dân; thành lập hợp tác xã để người dân trồng lúa tham gia,… Từ đó quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Dương Công Khoa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay diện tích lúa nếp cái hoa vàng trên địa bàn xã đạt 80 ha. Để nâng cao chất lượng, giá trị của lúa nếp cái hoa vàng, năm 2019, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện thực hiện trồng 40 ha lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP với trên 100 hộ tham gia. Qua đó, năng suất đạt 38 tạ/ha, tăng 15%-20% so với trước đây, đồng thời sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc khi xuất bán ra thị trường. Thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng trồng lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm.

Bac Son TT PT SP NN chu luc

Người dân xã Vũ Sơn chăm sóc vườn cam Canh

         Tại xã Đồng Ý, xác định phát triển cây ăn quả (bưởi, quýt) là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã. Vì vậy, thời gian qua, xã chú trọng mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ông Hoàng Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, người dân trên địa bàn xã không chỉ trồng quýt trong các lân lũng, mà còn tập trung phát triển ở các vườn bãi thấp. Hiện toàn xã có khoảng 70 ha quýt, trong đó có khoảng 20 ha quýt được trồng tại các vườn bãi. Cây bưởi được phát triển mạnh, hiện xã có 40 ha bưởi (bưởi Diễn, bưởi da xanh). Để phát triển mạnh cây bưởi, năm 2019, xã phối hợp triển khai thực hiện 20 ha bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng diện tích bưởi, quýt theo VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm.

         Không chỉ hai xã trên, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm. Qua đó, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh như: vùng lạc với diện tích khoảng 1.000 ha; vùng thuốc lá diện tích khoảng 2.000 ha; vùng trồng ngô diện tích khoảng 4.290 ha; vùng trồng quế diện tích trên 1.000 ha. Lĩnh vực chăn nuôi, phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng tại các xã: Chiến Thắng, Vũ Sơn, Quỳnh Sơn, Vũ Lăng…; phát triển cá lồng tại các xã: Quỳnh Sơn, Vũ Lăng, Trấn Yên, Đồng Ý.

         Ông Vi Đình Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian qua, việc triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được tích cực triển khai. Qua đó, hình thành các vùng chuyên canh, tạo sự liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo triển khai các giải pháp. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn; đẩy mạnh phối hợp sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn: baolangson.vn