QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẠNG SƠN LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Văn Lãng hướng tới xây dựng thương hiệu đậu phụ Na Sầm

         Từ lâu, nghề làm đậu phụ đã trở thành nghề truyền thống của bà con huyện Văn Lãng được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh biết tới. Những bí quyết riêng trong chế biến và bảo quản đã làm nên hương vị riêng có cho đậu Na Sầm. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ làm đậu vẫn còn kinh doanh mang tính nhỏ lẻ, chưa đem lại hiệu quả cao. Do vậy, chính quyền huyện Văn Lãng đang hướng tới xây dựng thương hiệu góp phần gìn giữ và phát triển sản phẩm truyền thống này.

         Đậu phụ là một trong những nguồn thực phẩm phổ biến và quen thuộc đối với các gia đình Việt Nam, chứa đựng hàm lượng dinh dưỡng cao. Không ai còn nhớ chính xác đậu phụ Na Sầm ra đời từ bao giờ nhưng hằng ngày, những gánh đậu thơm ngon vẫn được các bà, các cô mang ra chợ Na Sầm bán phục vụ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, các trường học, các cơ sở, nhà hàng phục vụ ăn uống trên địa bàn các huyện: Văn Lãng, Tràng Định, Cao Lộc,… và một số tỉnh lân cận như: Cao Bằng, Bắc Giang, Thái Nguyên,… vẫn thường tìm đến Na Sầm để đặt mua.

VL huong toi XD TH dau phu NS

Người dân thị trấn Na Sầm sản xuất đậu phụ

         Bà Đặng Thị Nhàn, sinh năm 1963, trú tại khu 4, thị trấn Na Sầm, người có kinh ngiệm làm đậu hơn 20 năm cho biết: Để có một mẻ đậu ngon trước tiên phải chọn loại đỗ tương ngon, hạt đẹp, không bị lép, nước để làm đậu phải là nguồn nước trong mát của Na Sầm. Khi tiến hành nén đậu thì phải nén thật cứng chia làm 2 lần để khi chế biến đậu không bị nát. Đến nay, gia đình tôi vẫn làm đậu theo phương pháp truyền thống không sử dụng máy móc.

         Nét khác biệt của đậu Na Sầm, so với đậu của nơi khác nằm ở hương vị rất thanh mát đặc trưng, dù ăn sống hay chiên lên đều rất hấp dẫn và giữ được hương thơm tự nhiên của đỗ tương. Điều đặc biệt, đậu Na Sầm không sử dụng thạch cao mà dùng nước lá chua để lấy độ cứng, do vậy, nếu để đến hôm sau, đậu vẫn đậm đà, ngan ngát mà không có dấu hiệu bị chua. Bên cạnh đó, hình thức bảo quản gói đậu trong những vuông vải màu trắng cũng giúp đậu Na Sầm đảm bảo vệ sinh tăng uy tín đối với thực khách.

         Anh Nông Văn Bách, du khách đi xe Cao Bằng – Lạng Sơn cho biết: Tôi đi xuống thăm họ hàng ở Lạng Sơn lúc nào qua Na Sầm cũng bảo lái xe dừng để xuống mua mấy bìa đậu về làm quà cho người thân. Đậu ở đây ăn ngon mà mềm lắm, gia đình tôi ai cũng thích. Đặc biệt, trời lạnh như gần đây, có mấy bìa đậu Na Sầm để ăn lẩu thì tuyệt.

         Hiện nay, ở Văn Lãng có 40 hộ dân sản xuất đậu phụ, phân bố ở một vài nơi như: thôn Thâm Mè (xã Hoàng Việt), thôn Lũng Vài (xã Trùng Quán),… nhưng tập trung chủ yếu và nổi tiếng hơn cả là ở thị trấn Na Sầm. Trung bình, mỗi hộ tiêu thụ từ 250 – 300 bìa đậu/ngày, khoảng hơn 10 – 12 kg đỗ tương, thu nhập từ  kinh doanh đậu đem lại mỗi năm khoảng 90 – 100 triệu đồng. Nhưng nghề làm đậu ở Văn Lãng vẫn còn phát triển  tự phát, nhỏ lẻ, manh mún và đội ngũ làm nghề đang đứng trước nguy cơ “già hóa”.

         Là người trẻ nhất hiện nay còn theo nghề làm đậu của gia đình, chị Nguyễn Thị Khuê, sinh năm 1985, trú tại khu 5, thị trấn Na Sầm tâm sự: Cũng sợ sau này đậu phụ Na Sầm không còn ai biết đến lắm, vì hiện nay, thanh niên trẻ không còn chịu theo nghề. Tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa để lưu giữ, bảo tồn nghề truyền thống này của quê hương.

         Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy các sản phẩm, làng nghề truyền thống, thời gian qua, chính quyền huyện Văn Lãng đã triển khai nhiều giải pháp, có nhiều việc làm thiết thực như: tiến hành thống kê và nắm số lượng các gia đình đang sản xuất đậu, đưa sản phẩm đậu Na Sầm trưng bày tại các sự kiện văn hóa lớn của huyện, của tỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở, hộ gia đình sản xuất đậu quan tâm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cuối năm 2018, UBND huyện Văn Lãng đã  hình thành ý tưởng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đậu Na Sầm. Trong đó, giao cho UBND thị trấn Na Sầm nghiên cứu thành lập hợp tác xã nhằm giúp các gia đình liên kết với nhau, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đến nay, do nhiều yếu tố khách quan nên vẫn chưa thực hiện được.

         Ông Nguyễn Đình Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu và có lộ trình cụ thể để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đậu Na Sầm, tiến tới đăng ký nhãn hiệu tập thể. Trước mắt, năm 2020, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất việc thành lập hợp tác xã tập trung các hộ sản xuất đậu trên địa bàn, bên cạnh đó sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi cũng mong muốn bà con cùng nhau gìn giữ hương vị đậu Na Sầm một cách nguyên bản nhất để sản phẩm mãi mãi được lòng thực khách gần xa.

Nguồn: baolangson.vn