QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẠNG SƠN LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Hệ thống ăn tự động trong chăn nuôi gà thả vườn: Giúp người chăn nuôi tiết kiệm thời gian, chi phí

         Chỉ với những thứ sẵn có trong đời sống như xô nhựa, bàn nhựa, ống nước… , hệ thống ăn tự động trong chăn nuôi gà thả vườn khắc phục những nhược điểm của sản phẩm trên thị trường, đồng thời giúp người chăn nuôi tiết kiệm thời gian, bảo quản tốt thức ăn chăn nuôi khi thời tiết bất lợi.

         Tại lễ tổng kết và trao giải các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật năm 2019, nhiều người ấn tượng với cô bé nhỏ nhắn, dễ thương Lý Thị Thu Huế, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Hồng Thái, huyện Bình Gia. Sản phẩm hệ thống ăn tự động trong chăn nuôi gà thả vườn do em thực hiện là sản phẩm duy nhất đạt giải khuyến khích tại cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi toàn quốc lần thứ 15 (năm 2018 – 2019). Em cũng là tác giả duy nhất nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

HT an TD trong CN GTV Giup NCN tiet kiem TG CPphi

Em Lý Thị Thu Huế thứ ba từ trái sang nhận giấy khen và huy chương tại lễ tổng kết và trao giải các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật năm 2019

         Em Huế chia sẻ: Các hộ nuôi gà thả vườn đang sử dụng nhiều hệ thống, máng ăn tự động cho gà, tuy nhiên, đa số hệ thống ăn này được sản xuất ra phục vụ cho nuôi gà theo hình thức nuôi nhốt. Vì vậy có một số nhược điểm như: khay dự trữ thức ăn nhỏ, cần nhiều dụng cụ chứa trong không gian nuôi, cần bố trí điểm treo, giá treo hoặc giàn treo gây bất tiện trong quá trình sử dụng. Do dây treo dài nên máng thường có độ rung lắc lớn, dễ làm rơi thức ăn ra ngoài. Khi treo ngoài trời máng dễ bị mưa ướt, lẫn tạp chất, chuột, gián… thâm nhập, gây ẩm mốc, nhiễm khuẩn. Để xử lý những máng ăn bị bẩn, ướt, người chăn nuôi mất nhiều thời gian vệ sinh, đồng thời gây lãng phí thức ăn chăn nuôi. Trên thị trường có một số hệ thống ăn tự động, hiện đại phù hợp cho các gia đình nuôi gà thả vườn, tuy nhiên chi phí cao nên không phù hợp với người chăn nuôi vùng nông thôn. Nhằm khắc phục những hạn chế trên, em Huế đã nghiên cứu, chế tạo hệ thống ăn tự động trong chăn nuôi gà thả vườn.

         Với những vật liệu dễ kiếm như xô nhựa, thùng nhựa, bàn nhựa, ống nước… , em đã chế tạo ra hệ thống ăn tự động, thiết kế khá đơn giản với 4 máng ăn tiện dụng, nhiều ưu điểm nổi bật mà hệ thống ăn trên thị trường không có được. Theo đó, hệ thống ăn cho gà gồm 1 thùng chứa thức ăn, đáy có phần thu, trên có nắp đậy. Máng ăn được thiết kế từ ống nước với 4 máng ăn thông với nhau, các máng có nắp đậy. Phần máng và thùng chứa được nối với nhau qua một lỗ tròn trên mặt bàn. Khi đổ thức ăn chăn nuôi vào thùng, thức ăn sẽ đi xuống các máng ăn. Máng ăn được bố trí dưới gầm bàn, cao hơn mặt đất 15 đến 25 cm nên tránh được gà bới, hạn chế tác động của nước mưa, lá cây rụng. Phần máng ăn vừa đủ rộng đảm bảo không làm rơi thức ăn ra ngoài. Máng ăn có nắp đậy tiện lợi, có tác dụng bảo quản thức ăn còn lại khi hết ngày. Sau khi hoàn thiện, sản phẩm được đưa đến một số gia đình trên địa bàn xã Hồng Thái, huyện Bình Gia dùng thử nghiệm cho kết quả tốt cả trên mô hình nuôi gà thả vườn và nuôi nhốt trong chuồng.

         Em Thu Huế cho biết thêm: Chi phí mua vật liệu mới hết khoảng 240.000 đồng cùng thời gian khoảng 6 tiếng đồng hồ để thực hiện. Nếu sản xuất đại trà thì chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều. Cùng đó, nó hội tụ các ưu điểm nổi bật như tiết kiệm được thời gian cho gà ăn do thùng chứa có thể dự trữ 10 đến 15 kg cám hạt, cám bột, ngô, thóc, thức ăn chăn nuôi…

         Hệ thống ăn tự động trong chăn nuôi gà thả vườn không khó triển khai, giá thành thấp phù hợp với nhiều địa hình, quy mô chăn nuôi đặc biệt cho hiệu quả thấy rõ cao trong chăn nuôi. Tin rằng, thời gian tới, ý tưởng của em sẽ được các nhà đầu tư quan tâm, sản xuất đại trà.

Nguồn: baolangson.vn