QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẠNG SƠN LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Phát triển thủy sản: Cách làm ở Đồng Ý

         Từ những thửa ruộng trồng lúa cho năng suất, chất lượng thấp, nhiều hộ dân xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn đã cải tạo thành ao nuôi cá cho thu nhập cao gấp 7-10 lần trồng lúa.

         Hiệu quả kinh tế

         Những ngày giữa tháng 12/2019, chúng tôi có mặt xóm Bản Rọong (trước khi sáp nhập là thôn Bản Rọong), xã Đồng Ý. Tranh thủ những ngày hanh khô, nắng ráo, gia đình anh Phạm Hồng Thụy đang tất bật tập trung cải tạo lại ruộng lúa cho năng suất thấp trước đây, thành ao nổi để nuôi cá. Anh Thụy cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng có hơn 1 sào (360 m2) ao nuôi cá. Những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế cao từ nuôi cá, cộng với việc thu nhập từ trồng lúa rất thấp, nên năm nay gia đình đã mở rộng diện tích ao nuôi thêm 2 sào và dự kiến khoảng tháng 2, 3 sang năm bắt đầu thả cá.

PT thuy san Cach lam o Dong Y

Người dân xã Đồng Ý cải tạo mở rộng diện tích ao nuôi cá

         Cũng nhận thấy hiệu quả mà nuôi cá mang lại, năm 2016, gia đình ông Hoàng Công Tám, xóm Bản Rọong đã đầu tư cải tạo, xây dựng ao nuôi với diện tích trên 1 mẫu (3.600 m2). Ông Tám cho biết: So với trồng lúa thì nuôi cá cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Cụ thể trên diện tích hơn 1 mẫu ao nuôi, gia đình ông thả ít mỗi năm cũng cho thu hoạch hơn 1 tấn cá và đem về thu nhập 70 đến 100 triệu đồng. Trong khi nếu trồng lúa trên cùng diện tích thì thu nhập chỉ được trên dưới 10 triệu đồng.

         Cùng với 2 hộ gia đình kể trên, nhiều hộ dân khác ở Bản Rọong  đã chuyển đổi sang mô hình nuôi cá. Ông Đàm Văn Đông, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt xã Đồng Ý cho biết: Tận dụng lợi thế có nước đầu nguồn sạch, dồi dào, cộng với việc trồng lúa, nhất là những ruộng lúa ở chân ruộng thấp cho năng suất và chất lượng kém người dân trong thôn đã chủ động chuyển đổi sang nuôi cá.

         Mô hình nuôi cá tại đây đã có từ chục năm trước, tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây phát triển mạnh mẽ. Tính riêng chi hội đã có 24 hộ nuôi cá với diện tích khoảng 4,3 ha. Hộ ít thì một vài sào, hộ nhiều lên tới hơn 1 mẫu. Cá phát triển nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định, nên hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã tiếp tục mở rộng thêm diện tích ao nuôi.

         Không chỉ Chi hội nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt, mô hình nuôi cá còn phát triển rộng khắp ra một số nơi trên địa bàn xã Đồng Ý. Theo số liệu của UBND xã, hiện nay, trên địa bàn xã có trên 16 ha diện tích nuôi cá, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (những năm gần đây trung bình mỗi năm tăng thêm 2 ha diện tích ao nuôi cá). Thay vì nuôi trồng tự phát, nhiều hộ nuôi cá đã liên kết lại thành các hợp tác xã hay chi hội nghề nghiệp nuôi cá để hỗ trợ cùng nhau phát triển.

         Hỗ trợ phát triển

         Bên cạnh sự chủ động, nhạy bén của người dân, thời gian qua, xã Đồng Ý đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ, giúp người dân mở rộng diện tích cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cá.

         Ông Hoàng Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Đồng Ý cho biết: Gần 3 năm trở lại đây, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới (trung bình 350 triệu đồng/năm), xã đã lựa chọn hỗ trợ cho các hộ nuôi cá về thức ăn, con giống, đầu tư hệ thống ao nuôi, hệ thống mương dẫn nước… Bên cạnh đó, xã đã lồng ghép nguồn lực chương trình để hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, hệ thống điện ở khu vực ao nuôi. Sự hỗ trợ thiết thực như vậy đã góp phần không nhỏ vào việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng cá thương phẩm cho các hộ chăn nuôi.

         Không dừng lại ở việc hỗ trợ mở rộng diện tích, để tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xã đang phối hợp với các cơ quan liên quan đến hỗ trợ người dân hướng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi sản xuất được theo mô hình này, xã sẽ phối hợp, kết nối để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm hợp đồng bao tiêu sản phẩm cá với các nhà hàng, hệ thống cửa hàng hay khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; tham mưu tổ chức “ngày hội cá”; đưa cá thành sản phẩm OCOP của xã; kết hợp nuôi cá với phát triển mô hình du lịch sinh thái…

         Để đạt được những kết quả như kỳ vọng mà kết quả cuối cùng chính là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, bên cạnh sự chủ động của người dân thì rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp, các ngành liên quan. Từ đó, mô hình nuôi cá trên địa bàn xã Đồng Ý sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn.

Nguồn: baolangson.vn