QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẠNG SƠN LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Kế hoạch triển khai mô hình tỉnh chuyển đổi số điển hình, thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện năm 2023

          Ngày 23/5/2023, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 72-KH/BCĐ về triển khai mô hình tỉnh chuyển đổi số điển hình, thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện năm 2023; nhằm triển khai mô hình chuyển đổi số vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh;tạo sự gắn kết, phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, huy động mọi nguồn lực để tổ chức, thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra; đề ra các giải pháp để các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp tục phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số.

          Theo đó, Kế hoạch đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể như sau: Về chính quyền số, phấn đấu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phát sinh hồ sơ đạt 85%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) xử lý trực tuyến đạt 70%;duy trì 100% các hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất…; về kinh tế số, phấn đấu kinh tế số chiếm từ 10% GRDP của tỉnh; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh kế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu trên 02%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%...; về xã hội số, phấn đấu tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền internet cáp quang băng rộng đạt 75%; tỷ lệ dân số có điện thoại di động thông minh đạt 85%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 75%...; về cửa khẩu số, tiếp tục duy trì Nền tảng cửa khẩu số đảm bảo 100% các phương tiện vận tải, doanh nghiệp, thương nhân xuất nhập khẩu hàng hóa được cung cấp dịch vụ số trên một Nền tảng cửa khẩu số; 100% các cơ quan, đơn vị có liên quan sử dụng Nền tảng cửa khẩu số trong quản lý phương tiện, hàng hóa luân chuyển qua cửa khẩu…; về bảo đảm an toàn thông tin, phấn đấu 100% hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; tối thiểu 90% thiết bị đầu cuối được cài đặt giải pháp bảo vệ….

          Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch sẽ tập trung thực hiện 11 nội dung trọng tâm trong triển khai mô hình tỉnh chuyển đổi số điển hình bao gồm: chuyển đổi nhận thức; tổ chức quản lý, chỉ đạo điều hành; xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển nhân lực số; phát triển hạ tầng, nền tảng số; phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số; phát triển cửa khẩu số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực.

          Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch, kịp thời đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo những vấn đề phát sinh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai dự án “Đầu tư hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm nền tảng, số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”./.

Tô Thị Thương

Trung tâm Công nghệ số